Mô hình sản xuất bún khô của HTX Hồng Luân

Khởi nghiệp từ nhiều năm trước với nghề làm phở tươi phục vụ người dân trong xã, sau đó nhờ tích cực tìm kiếm thị trường nên sản phẩm của gia đình chị Giá Thị Luân, hội viên Hội Phụ nữ xã Tân Lập, huyện Chợ Đồn- Giám đốc Hợp tác xã Hồng Luân ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Mô hình sản xuất bún khô của HTX đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và các thành viên.

Năm 2018, sau khi thành lập HTX, chị Luân đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc để phục vụ sản xuất bún, như máy xay xát, máy nghiền, máy đập bột… Do mới chuyển đổi mô hình từ sản xuất hộ kinh doanh cá thể sang mô hình HTX nên bước đầu gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm, mẫu mã làm ra còn thô sơ, trong khi đó sản phẩm sản xuất theo mô hình HTX đòi hỏi mẫu mã, chất lượng không chỉ ngon mà còn phải đẹp. Đặc biệt sản phẩm khi xuất ra thị trường phải được cấp chứng nhận về an toàn thực phẩm…

Để tạo ra thương hiệu Bún khô Hồng Luân, hiện sản phẩm bún khô của Hợp tác xã đã có đầy đủ điều kiện về tem nhãn, mã vạch để truy xuất nguồn gốc, ngoài ra sản phẩm còn được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Uy tín và chất lượng làm nên thương hiệu, thị trường được mở rộng nên bình quân mỗi ngày Hợp tác xã tiêu thụ được khoảng 100kg bún khô, tạo việc làm cho 3-5 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Chị Giá Thị Luân cho biết: Hiện nay, Hợp tác xã có 07 thành viên. Ngoài sản xuất bún khô bằng gạo Bao thai Chợ Đồn, Hợp tác xã còn bao tiêu một số mặt hàng khác cho thành viên để tăng thêm thu nhập như: Các loại đỗ, đậu, trứng gà ta, rau xanh… Ngoài tiêu thụ sản phẩm tại nơi sản xuất và điểm bán ở thị trấn Bằng Lũng, Hợp tác xã đã xây dựng được các điểm tiêu thụ ở TP. Bắc Kạn, TP. Thái Nguyên, TP. Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Doanh thu 9 tháng năm 2021 đạt 567 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 130 triệu đồng.

 

Năng động, mạnh dạn học hỏi, luôn lấy chữ tín làm tiêu chí kinh doanh, chị Luân đã khởi nghiệp thành công từ hạt gạo địa phương, trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế để nhiều phụ nữ học tập. Sản phẩm bún khô của HTX Hồng Luân đã và đang góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; Đề án “Mỗi làng xã một sản phẩm” (OCOP), đồng thời khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay./.